Dùng ổi điều trị tiêu chảy và nhiều chứng bệnh khác

Dùng ổi điều trị tiêu chảy và nhiều chứng bệnh khác

Cây ổi mọc hoang tại nhiều vùng rừng núi nước ta hoặc được trồng thành vườn, trồng quanh nhà để lấy quả ăn. Không chỉ có giá trị về ăn quả, các bộ phận của cây ổi như búp non, lá non, vỏ rễ và vỏ thân còn được dùng làm thuốc.

Giới thiệu về cây Ổi

Tên gọi, hình thái

Tên khoa học của Ổi là Psidium guajava, thuộc họ Sim (Myrtaceae). Tên gọi khác Ổi, Phan thạch lựu, Co ổi (Thái), Mác ổi (Tày), Mù úi piếu (Dao). Ổi thuộc loại cây trung bình, cao 5-10m. Thân có vỏ nhẵn, khi già bong từng mảng màu nâu đỏ. Cành khi non hình vuông có nhiều lông mềm, khi già hình trụ và nhẵn. Lá mọc đối, hình trái xoan hay thuôn dài chừng 15cm, rộng 3-6cm, phía gốc có thể tù hay hơi tròn, gân lá nổi rõ ở mặt dưới và phủ một lớp lông mịn. Cuống lá ngắn chừng 3-5mm. Hoa màu trắng, đường kính chừng 2,5cm, có nhiều nhị, có thể mọc đơn độc hay tụ 2-3 hoa thành cụm ở nách lá. Hoa nở vào đầu mùa hè. Quả mọng, hình cầu hay dạng quả lê, dài 10cm, chứa nhiều hạt nhỏ. Đài hoa còn tồn tại trên quả. Cây bắt đầu cho quả sau 2 năm tuổi.

Dùng ổi điều trị tiêu chảy và nhiều chứng bệnh khác

Lá và quả Ổi

Phân bố

Cây ổi được cho là có nguồn gốc từ vùng Nam Mỹ, phù hợp sinh trưởng và phát triển tốt ở những vùng có khí hậu nóng, ẩm. Ở nước ta, loại cây này được trồng rất nhiều ở khắp các tỉnh thành, một số tỉnh thành phía Bắc (trừ những vùng núi cao trên 1500m) có trồng khá nhiều ổi.

Bộ phận dùng chủ yếu làm thuốc là phần búp non, lá non, ngoài ra dùng vỏ thân, vỏ rễ, các dược liệu này có thể dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.

Thành phần hóa học

Thành phần trong phần quả

Theo “ sách cây thuốc và vị thuốc Việt Nam ” cuả Đỗ Tất Lợi, phân tích thành phần quả ổi từ Ấn Độ thấy có những chất sau: Nước, protein, chất béo, sợi, các hyđrat carbon, các chất vô cơ (Ca, Mg, phospho, sắt, natri, kali, Cu, Sulfua), cholorin, thiamin, riboflavin, axit nicotinic, vitamin C (hàm lượng 212 mg/100g).

Vitamin C của quả ổi nhiều hơn cả trong quả chanh. Hàm lượng vitamin C thay đổi khá nhiều trung bình từ 100-1000mg/100g, nhiều nhất ở phần vỏ quả rồi đến phần cùi. Vitamin C cũng tăng dần theo độ chín của quả, đạt tối đa lúc quả chín và giảm dần khi quả chín mềm. Axit  citric có nhiều, axit tartric và axit malic với hàm lượng ít hơn.

Các chất hyđrat carbon chủ yếu là dạng đường khử.       

Tanin với hàm lượng cao khi quả còn xanh và thấp nhất ở quả chín.              

Carotenoid ở ổi thường là beta-caroten và xanthophyl với hàm lượng thấp (0,2 mcg/g). Leucocyanin và axit ellagic là những hợp chất phenolic có hàm lượng cao trong quả ổi chín.

Thành phần hóa học trong lá ổi

Lá ổi chứa catechol, tanin loại pyrrogalol (8-15%), một loại tinh dầu màu vàng xanh hoặc vàng đỏ có mùi dễ chịu. Tuỳ theo từng loại ổi, hàm lượng tinh dầu trong lá từ 0,2-0,31%. Thành phần tinh dầu lá ổi gồm d và l limonen, beta-caryophylen, sesquiterpen alcol bậc 2  và sesquiterpen alcol bậc 4.

Lá ổi còn chứa sáp, nhựa, đường, caroten, các vitamin B, niacin và vitamin C, beta-sitosterol, quercetin, các arabiosit của guaijaverin và avicularin, một số các axit triterpen như axit ursolic, oleanolic, cratagolic và guaijavolic, axit ellagic và glucosit 4-gentiobiosit của axit ellagic là amritosit.

Vỏ thân ổi chứa 11-27% tanin được dùng trong kỹ nghệ sản xuất tanin và kỹ nghệ nhuộm vải. Vỏ cành có leucoanthocyanidin, axit lutelic, axit ellagic và amritosid.

Tác dụng điều trị bệnh của lá ổi và các dược liệu từ ổi

Dược liệu lá ổi trong y học cổ truyền

Theo dược học cổ truyền, lá ổi có vị đắng, chát, hơi chua, tính ấm; quy vào kinh đại tràng, vị. Công năng là Sáp trường chi tả, sát trùng. Chủ trị các chứng bệnh như Đau bụng tiêu chảy, lỵ. Có thể dùng ngoài: Nấu nước rửa vết thương, mụn nhọt lở loét với lượng thích hợp. Ngày dùng 15 g đến 20 g, dạng thuốc sắc, hoặc hãm; thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Các bộ phận của cây ổi thường được dùng để chữa những chứng bệnh như tiết tả (đi lỏng), cửu lỵ (lỵ mạn tính), viêm dạ dày ruột cấp và mạn tính, thấp độc, thấp chuẩn, sang thương xuất huyết, tiêu khát (tiểu đường), băng huyết…       

Một số bài thuốc cổ truyền có dùng búp ổi, lá ổi:   

Viêm dạ dày, ruột cấp và mạn tính:

(1) Lá ổi non sấy khô, tán bột, uống mỗi lần 6g, mỗi ngày 2 lần.

(2) Lá ổi một nắm, gừng tươi 6-9g muối ăn một ít, tất cả vò nát, sao chín rồi sắc uống.

(3) Quả ổi, xích địa lợi và quỷ châm thảo, mỗi thứ từ 9-15g, sắc uống.

Cửu lỵ:

(1) Quả ổi khô 2-3 quả, thái phiến, sắc uống.

(2) Lá ổi tươi 30-60g sắc uống.

(3) Với lỵ trực khuẩn cấp và mạn tính, dùng lá ổi 30g, phượng vĩ thảo 30g, cam thảo 3g, sắc với 1.000ml nước, cô lại còn 500ml, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 50ml.

Trẻ em tiêu hoá không tốt:          

Lá ổi 30g, hồng căn thảo (tây thảo) 30g, hồng trà 10-12g, gạo tẻ sao thơm 15-30g, sắc với 1.000ml nước, cô lại còn 500ml, cho thêm một chút đường trắng và muối ăn. Uống mỗi ngày từ 1-6 tháng tuổi 250ml, 1 tuổi trở lên 500ml, chia uống vài lần trong ngày.

Tiêu chảy:

(1) Búp ổi hoặc vỏ dọp ổi 20g, búp vối 12g, búp hoặc nụ sim 12g, búp chè 12 g, gừng tươi 12g, rốn chuối tiêu 20g, hạt cau già 12g, sắc đặc uống.

(2) Búp ổi 12g, vỏ dộp ổi 8g, gừng tươi 2g, tô mộc 8g, sắc với 200ml nước, cô còn 100ml. Trẻ em 2-5 tuổi mỗi lần uống 5-10ml cách 2 giờ uống 1 lần. Người lớn mỗi lần uống 20-30ml, mỗi ngày 2-3 lần.

(3) Với tiêu chảy do lạnh, dùng búp ổi sao 12g, gừng tươi 8g nướng cháy vỏ, hai thứ sắc cùng 500ml nước, cô còn 200ml, chia uống 2 lần trong ngày, hoặc búp ổi hay lá ổi non 20g, vỏ quýt khô 10g, gừng tươi 10g nướngchín, sắc với 1 bát nước, cô còn nửa bát, uống nóng, hoặc búp ổi 60g, nụ sim 8g, riềng 20g, ba thứ sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g với nước ấm, hoặc búp ổi 15g, trần bì 15g và hắc hương 18g, sắc uống.

(4) Với tiêu chảy do công năng tỳ vị hư yếu, dùng lá hoặc búp ổi non 20g, gừng tươi nướng cháy 10g, ngải cứu khô 40g, sắc cùng 3 bát nước, cô còn 1 bát, chia uống vài lần trong ngày.  

(5) Với trẻ em đi lỏng, dùng lá ổi tươi 30g, rau diếp cá 30g, xa tiềnthảo 30g, sắc kỹ lấy 60ml, trẻ dưới 1 tuổi uống 10-15ml trẻ từ 1-2 tuổi uống15-20 ml, mỗi ngày uống 3 lần.

Thổ tả:

Lá ổi, lá sim, lá vối và hoắc hương lượng bằng nhau, sắc hoặc hãm uống. Băng huyết: quả ổi khô sao cháy tồn tính, tán bột, mỗi ngày uống 2 lần,  mỗi lần 9g pha với nước ấm.

Nghiên cứu về dược liệu lá ổi trong y học hiện đại

Xem thêm: Mua cao khô dược liệu lá ổi chất lượng cao, giá hợp lý

Tác dụng chống bệnh tiểu đường

Theo nghiên cứu của Đái Thị Xuân Trang và các cộng sự (2012); cao chiết ethanol lá ổi được sử dụng cho chuột bệnh tiểu đường. Kết quả chứng minh, cao ethanol lá ổi có khả năng hạ đường huyết một cách có ý nghĩa thống kê (P<0,05) so với nhóm chuột bệnh tiểu đường không được uống cao chiết lá ổi và tương đương với thuốc điều trị tiểu đường gliclazide. Kết quả thí nghiệm cũng chứng minh cao ethanol lá ổi có thể cải thiện trọng lượng chuột bệnh tiểu đường một cách có ý nghĩa thống kê (P<0,05) và cao chiết lá ổi cũng không gây độc tính cấp cho chuột bình thường.

Tác động của trà lá ổi đối với lượng đường huyết sau khi ăn (Yoriko Deguchi và Kouji Miyazaki, 2010)

Yoriko Deguchi và Kouji Miyazaki (2010) đã thực hiện các thử nghiệm trên người. Mười chín đối tượng có độ tuổi trên 40, có hoặc không bị bệnh tiểu đường, có chỉ số đường huyết lúc đói là 103,0 ± 14,3 mg/dl, đang ở mức thừa cân hoặc béo phì. Sau khi nhịn ăn qua đêm trong 11 giờ, các đối tượng này đã được cho ăn 200g gạo nấu chín như một nguồn carbohydrat cùng với một chai nước nóng 190 ml liên tục trong tuần đầu và sau đó họ được uống trà lá ổi có chứa chất chiết xuất từ lá ổi trong tuần thứ 2.

Lượng đường trong máu được đo ở khoảng 30 phút/lần cho tới 150 phút sau khi uống trà lá ổi với các xét nghiệm lâm sàng khác. Kết quả, sau khi cho bệnh nhân tiểu đường uống trà lá ổi, thời gian 30 phút giảm đường huyết xuống từ 154 mg/dl và sau thời gian 150 phút, làm giảm nguy cơ tăng lượng đường huyết xuống < 120 mg/ dl.

Tác dụng chống gốc tự do

Theo nghiên cứu của Nguyễn Xuân Duy (2013). Cao chiết từ lá ổi cho thấy khả năng ức chế gốc tự do DPPH. Ngoài ra, dịch chiết lá ổi thể hiện hoạt tính ức chế enzyme polyphenoloxidase cao hơn so với dịch chiết từ lá trầu không, lá trà xanh, lá lốt, lá nhàu, lá khoai lang.

Hoạt tính này đều có liên quan đến các polyphenol và flavonoid, tuy nhiên các chất chiết xuất từ lá ổi cũng chứa một số chất chống oxy hóa khác như acid ascorbic và carotenoid.

Tác dụng chống tiêu chảy

Thành phần quercetin trong lá ổi có khả năng chống tiêu chảy, ngoài ra các dẫn xuất của quercetin cũng có tác dụng kháng vi khuẩn; tác dụng kháng viêm và chống lại tác nhân gây mụn trứng cá Propionibacterium acnes; kháng ký sinh trùng gây bệnh sốt rét, ức chế trùng kiết lị (Entamoeba histolytica) gây bệnh viêm niêm mạc ruột; giảm ho, bảo vệ gan (Hepatoprotective effects); các chiết xuất từ lá ổi và tinh dầu ổi có khả năng ức chế tế bào ung thư; khả năng kháng một số vi nấm.

Ngoài ra các tanin trong lá ổi cũng có tác dụng làm săn se niêm mạc, chống tiêu chảy.

Tác dụng kháng khuẩn

Theo một nghiên cứu, lá ổi khô được chiết với các dung môi, sau đó thử nghiệm khả năng kháng khuẩn. Dịch chiết xuất cho thấy khả năng kháng khuẩn với các chủng Salmonella Typhi; Salmonella Paratyphi A và Salmonella Paratyphi B.

Tinh dầu được tìm thấy trong lá ổi cũng có hoạt tính kháng khuẩn với các chủng Enterococcus faecalis, Staphylococcus aureus và Streptococcus aureus và ba vi khuẩn Gram(-) E.coli; Haemophilusenzae và Pseudomonas aerugosa.

Nghiên cứu của Ghosh P. (2010) và các cộng sự đã phân lập được hai triterpenoid betulinic acid và lupeol từ chiết xuất lá của ổi và khảo sát khả năng kháng khuẩn của hai triterpenoid, kết quả cho thấy tiềm năng kháng khuẩn của chúng khá cao.

Tác dụng phòng ngừa ung thư

Dịch chiết từ lá, hạt ổi đã được nghiên cứu tiềm năng ứng dụng trong các biện pháp ngăn ngừa sự phát triển của các khối u nhờ có chứa các hợp chất polyphenol và isoflavonoid. Manosroi và ctv (2005) cho rằng các hợp chất chiết xuất từ ổi có khả năng  ngăn chặn các dòng tế bào ung thư khác nhau của con người bao gồm cả tuyến tiền liệt, ruột kết, ung thư biểu bì, cũng như bệnh bạch cầu và u ác tính từ trong cơ thể động vật khác. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng dịch chiết xuất từ lá ổi non (búp ổi) có khả năng điều trị ung thư tuyến tiền liệt (Kawakami và ctv, 2010).

Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh trong tinh dầu lá ổi chứa hợp chất polyphenol có tác dụng làm giảm thể tích khối u, tác động đến các dòng tế bào ung thư cổ tử cung của người như KB và P388, các dòng tế bào tế bào ung thư này được đặc trưng bởi những thay đổi nghiêm trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng (Joseph và Priya, 2011).

Nguồn Nguyên liệu chất lượng cao

Lá ổi nói riêng và các bộ phận khác nói chung có nhiều tác dụng tốt và hữu ích. Ổi lại là loài cây phổ biến và quen thuộc ở Việt Nam nên việc ứng dụng dược liệu từ Ổi có tính khả thi rất cao và dễ dàng. Thế nhưng không phải người dùng nào cũng có thể mua được các sản phẩm chất lượng bởi thị trường đang tràn ngập nhiều loại dược liệu chất lượng kém. Sản phẩm chất lượng kém không những không thể chữa được bệnh mà còn có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dùng. Công ty cổ phần hóa dược và công nghệ sinh học Biogreen với Dược liệu sạch từ vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGap, chiết xuất dưới dạng cao khô dược liệu cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cao, phù hợp với nhiều dạng bào chế, cho sản phẩm chất lượng vì sức khỏe người dùng.